10 điều cần lưu ý khi chọn máy ảnh chụp ảnh kiến trúc & nội thất

Các lens góc rộng thường gặp trong nhiếp ảnh kiến trúc.

Xin chào, mình là Minh Luu (minhluu.com) - mình có kinh nghiệm lâu năm trong việc quay & chụp kiến trúc nội thất. Bài viết dưới đây mình sẽ chia sẻ với LivingFrames và các anh chị em yêu thích bộ môn này kinh nghiệm thực tế của mình trong việc lựa chọn thiết bị chụp. Ngày nay giá máy ảnh đã rất dễ tiếp cận, chất lượng các hãng cũng đã tốt và đồng đều nên có rất nhiều sự lựa chọn cho mọi người. Các lưu ý dưới đây sẽ giúp mọi người lựa chọn được thiết bị phù hợp mà không bị “cháy túi” nhé!

  1. Máy ảnh: Bạn nên mua máy ảnh có cảm biến Fullframe và chọn loại có độ phân giải cao nhất có thể. Nếu ngân sách hạn hẹp bạn có thể chọn máy second hand fullframe cũ như Canon 6D, Sony A7ii, Sony A7R2. Không nên mua máy ảnh dòng crop vì ống kính cho máy ảnh fullframe sẽ đầy đủ hơn cho việc chụp kiến trúc, dễ dàng nâng cấp về sau.
    LF Studio gợi ý:
    - Ngân sách hạn hẹp:
    Canon 6D mark 1 (cũ).
    - Nên dùng:
    Sony A7R2, Sony A7R3, Sony A7 IV, Sony A7R4, Canon EOS R, Canon EOS R5

  2. Ống kính: Bạn có thể khởi điểm với bộ 2 ống kính tiêu cự 16-35mm + 50mm để tiết kiệm chi phí. Sau đó nâng cấp lên bộ 3 ống kính 12-24mm + 24-70mm + 70-200mm. Có thể sử dụng ống kính F4, không nhất thiết phải mua ống kính khẩu lớn (F<2.8).
    LF Studio gợi ý:
    - Mới chụp -> mua đồ second hand, giá rẻ nhất có thể:
    Canon 6D1 cũ + Canon 16-35mm F4L cũ + Canon 50mm F1.8 STM hoặc Sony A7 ii cũ + Sony Carl-Zeiss 16-35mm F4 cũ + Sony FE 50mm F1.8
    - Nâng cấp:
    Sony A7 IV + Sony 12-24mm F4G + Sigma 24-70mm F2.8 DG DN
    - Nâng cấp (độ phân giải cao):
    Sony A7R 3 hoặc Sony A7R4 + Sony 12-24mm F4G + Sigma 24-70mm F2.8 DG DN
    - Chuyên nghiệp: Sony A7 IV (nội thất) + Sony A7R V (kiến trúc) +
    Sony FE 12-24mm F2.8 GM, Sony FE 24-70mm F2.8 GM II, Sony FE 70-200mm F2.8 GM II, ống kính Tilt-Shift Canon TS-E 17mm F4L, Canon TS-E 24mm F3.5L II. Đối với Canon thì sử dụng combo Canon R5 + Canon EF 11-24mm F4L - 24-70 và 70-200 tương ứng.

  3. Ống kính Tilt-Shift: Thực sự với nhu cầu chụp ảnh kiến trúc & nội thất nói chung ở Việt Nam, bạn KHÔNG cần sử dụng lens Tilt-Shift trừ khi bạn có dư dả tài chính và có nhiều thời gian chụp cho mỗi công trình. Trong đa số trường hợp bạn sẽ cần ưu tiên chụp nhanh và linh hoạt nhất có thể, khi đó bạn sẽ cần 1 lens zoom góc rộng, chụp rộng hơn 1 chút rồi về hậu kì căn chỉnh lại bằng photoshop và crop hình về sau.
    LF Studio gợi ý: Sử dụng lens 12-24mm (11-24mm với canon) để linh hoạt hơn trong việc chụp và crop ảnh về sau.

  4. Chân máy ảnh: Chọn một cái chân máy ảnh chất lượng tốt, có cột giữa để chỉnh chiều cao linh hoạt. Không nên mua các tripod giá rẻ, chụp nhiều nó sẽ dễ hỏng và có khả năng làm đổ bộ máy của bạn. Nên chọn chân có đường kính ống chân (phi) >=28mm để đảm bảo độ vững chắc. Nếu có điều kiện, hãy mua 1 chân nhỏ chụp nội thất và 1 chân lớn+ cao để chụp ngoại thất. Chân nhỏ có thể sử dụng loại 4 đốt có cổ giữa (4-section tripod + center column) để đảm bảo độ cơ động và linh hoạt. Chân lớn nên sử dụng loại 3 đốt để đảm bảo tính vững chắc.
    LF Studio gợi ý: Các tripod kèm ballhead của hãng Leofoto. Có thể cân nhắc mua thêm Geared Head để chỉnh góc máy chuẩn xác hơn.

  5. Flycam: DJI Mavic 2 Pro là 1 chiếc flycam mà mình sử dụng suốt quãng từ 2018-2022 tuy nhiên hiện nay đã dừng sản xuất khá lâu nên cũng khó tìm được hàng tốt. Bạn có thể mua DJI Mini 4 Pro là đủ dùng hoặc DJI Mavic 3 Pro nếu dư dả kinh tế. Ảnh chụp flycam vào ban ngày thì không có nhiều sự khác biệt giữa các dòng máy. Tuy nhiên ảnh chụp giờ xanh hoặc tối thì rõ ràng dòng Mavic 3 với cảm biến lớn sẽ cho chất lượng ảnh khác biệt khá rõ.
    LF Studio gợi ý: DJI Mini 4 Pro < DJI Air 2S < DJI Mavic 2 Pro < DJI Air 3 < DJI Mavic 3 Classic < DJI Mavic 3 Pro

  6. Máy tính: Bạn cần 1 chiếc PC hoặc Laptop/Macbook để chỉnh sửa hình ảnh. Cân nhắc mua cấu hình phù hợp tùy theo máy ảnh bạn đang dùng.
    LF Studio gợi ý: Mua máy có Ram 16Gb và SSD 256Gb trở lên để chỉnh sửa ảnh cơ bản. Đối với các máy ảnh có độ phân giải cao (Sony A7R3, A7R4, A7R5 hay Canon EOS R5…) bạn nên dùng máy tính có RAM 32Gb trở lên.

  7. iPAD: Nên có 1 chiếc iPad để duyệt ảnh với khách hàng. Hầu hết các máy ảnh đời mới (Canon R5, Sony A7 IV…) đều có chế độ chụp qua iPad khá ổn định và nhanh chóng. Chỉ cần ipad cấu hình cơ bản để duyệt ảnh, tránh mua iPad quá đắt tiền lãng phí.
    LF Studio gợi ý: iPad Mini 5 256 Gb Wifi Only.

  8. Filter CPL: Một kính lọc polarizer (CPL filter) giúp tăng hoặc cắt giảm phản xạ của kính, các đồ đạc nội thất, giúp ảnh trong và no màu hơn tùy theo ý đồ sử dụng. Nếu bạn sử dụng ống kính set ống kính 16-35 F2.8, 24-70 F2.8, 70-200 F2.8 thì chỉ cần sắm 1 chiếc filter CPL 82mm là dùng được cho cả 3. Nếu bạn sử dụng lens đặc biệt, góc siêu rộng như 12-24mm, 11-24mm, 14-24mm, TSE 17mm thì cần dùng bộ filter CPL 150-170mm có ngàm lắp riêng, kích thước cồng kềnh hơn và giá thành cũng đắt hơn nhiều.
    LF Studio gợi ý: Nisi CPL Filter

  9. Lưu trữ: Bạn cần có ít nhất 1 tài khoản Cloud (Google Drive, OneDrive, Dropbox…) để lưu trữ file online và gửi link cho khách hàng download. Ngoài ra bạn nên dùng ổ cứng SSD để cải thiện tốc độ chỉnh sửa hình ảnh.
    LF Studio gợi ý: Sử dụng ổ SSD để làm ảnh, sau khi hoàn thiện bàn giao thì lưu trữ trên HDD.

  10. Phần mềm chỉnh sửa ảnh: Sử dụng phần mềm chỉnh sửa ảnh như Adobe Lightroom, Photoshop, Camera Raw hoặc Capture One để điều chỉnh màu sắc, tăng độ tương phản và chỉnh sửa các chi tiết nhỏ trong ảnh. Nên dùng bản trả phí để được update thường xuyên các tính năng mới hữu dụng.
    LF Studio gợi ý: Sử dụng Lightroom Classic trên PC/Mac để quản lý và chỉnh sửa đồng bộ ảnh và Photoshop để chỉnh sửa chuyên sâu.

Một số ống kính cơ bản. Trọng lượng và đường kính filter là điều cần quan tâm.

Trên đây là 10 điều bạn cần lưu ý tính trước nếu có “khởi nghiệp” chụp ảnh kiến trúc. Bạn thể bắt đầu với bộ gear cơ bản gồm 04 món: 01 máy ảnh, 01 ống kính góc rộng, 01 chân máy (tripod) và 01 laptop. Hãy tìm mua hàng cũ để tiết kiệm chi phí tối đa. Sau 1 thời gian chụp và ngẫm lại bạn sẽ hiểu thiết bị gì là phù hợp nhất với style chụp của mình, lúc này bạn có thể bán lại thiết bị cũ và nâng cấp mà không bị mất giá quá nhiều.

Hãy chia sẻ vì nó miễn phí ;)
Cheers.

Luu Quang Minh Photography x LivingFrames Vietnam

Previous
Previous

Bí kíp chụp ảnh kiến trúc & nội thất dành cho người mới